Nên mua Surface Book 3 bản 13,5 inch hay bản 15 inch?
Vào năm 2015, khi siêu phẩm Surface Book được Microsoft ra mắt, thiết bị biến tất cả các laptop truyền thống trở nên lạc hậu. Surface Book là một thiết bị 2-trong-1 độc đáo với cấu trúc bản lề fulcrum vô cùng sáng tạo và dock bàn phím cho phép biến thiết bị trở thành một chiếc laptop mạnh mẽ thực sự. Và Microsoft đã nâng cấp dòng sản phẩm độc nhất vô nhị này với Surface Book 3, kế nhiệm cho chiếc Book 2 đã ra mắt trước đó khá lâu (2017). Phiên bản thứ 3 lần này được Microsoft cam kết cải thiện tới 50% hiệu năng so với thế hệ tiền nhiệm mặc dù về thiết kế Surface Book 3 không có quá nhiều thay đổi. Hãng vẫn tung ra hai phiên bản kích thước màn hình 13,5 inch và 15 inch.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa 2 phiên bản màn hình này? Chiếc Surface Book 13,5” hay 15” sẽ phù hợp với nhu cầu của bạn hơn? Hãy cùng phân tích chi tiết nhé!
1. Thiết kế như nhau và không khác biệt với thế hệ trước
Thiết kế của Surface Book 3 giữ nguyên nét đặc trưng từ sản phẩm tiền nhiệm: khung hợp kim nhôm – magie màu bạc. Surface Book 3 vẫn là phần máy tính bảng có thể hoạt động độc lập, có thể kết nối với phần bàn phím kiêm một chiếc dock chứa GPU Nvidia và pin mở rộng qua bản lề “fulcrum hinge” vô cùng độc đáo. Nếu nhìn từ bên ngoài, gần như bạn không thể phân biệt được 2 thế hệ thứ 2 và thứ 3 của dòng Surface Book. Microsoft chủ yếu đã cải thiện sức mạnh bên trong của sản phẩm.
Phiên bản 15” về bản chất chính là phiên bản 13,5” phóng to và cả hai đều có thiết kế y hệt như nhau. Tuy nhiên nhờ có kích thước lớn hơn mà Microsoft có thể nhồi nhét card đồ họa mạnh mẽ hơn và viên pin khủng hơn vào phần dock của phiên bản 15”.
2. Sự khác biệt chủ yếu là cấu hình
Cả hai phiên bản của Surface Book 3 đều dùng Core i5- i7 thế hệ 10, cụ thể là dòng Ice Lake kiến trúc 10nm của Intel. Phiên bản 13,5″ sẽ có 2 tùy chọn là Core i5-1035G7 4 nhân hoặc Core i7-1065G7 4 nhân trong khi phiên bản 15″ chỉ có tùy chọn Core i7-1065G7. Ngoài ra, vi xử lý đồ họa tích hợp của Core i5-1035G7 và Core i7-1065G7 đều là Iris Plus dùng kiến trúc Gen11 cải tiến và do là phiên bản G7 nên cả 2 đều có 64 đơn vị thực thi EU, mang lại hiệu năng xử lý đồ họa tốt nhất trong số các phiên bản Iris Plus tích hợp trên Ice Lake. Nếu chọn Surface Book 3 phiên bản 13,5″ dùng Core i7-1065G7 thì GPU trên dock sẽ là GTX 1650 Max-Q 4GB GDDR5. Nếu chọn Surface Book 3 15″ thì GPU sẽ là GTX 1660 Ti Max-Q 6GB GDDR6. Thậm chí còn có tùy chọn card Nvidia Quadro RTX 3000 Max-Q cho những ai cần làm đồ họa chuyên nghiệp với các ứng dụng CAD/CAM. Còn nếu mua Surface Book 3 mà bản chạy Core i5-1035G7 thì dock bàn phím sẽ không có GPU rời, chỉ có pin bổ sung mà thôi.
Microsoft cho biết: “Chúng tôi cung cấp tùy chọn Nvidia Quadro RTX 3000 để dành cho đối tượng người dùng là nhà thiết kế cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực bởi họ cần sức mạnh tính toán”. Card đồ họa dòng Quadro được thiết kế để có thể xử lý các tác vụ tính toán vật thể 3D hoặc thiết kế các bản vẽ CAD chứ không phải dùng để chơi game. “Các công cụ như Solidwork, thời gian render có thể được giảm xuống tới 50%”, Microsoft tuyên bố.
3. Màn hình hiển thị của cả hai phiên bản vô cùng ấn tượng
Ngay từ đầu, người dùng sẽ phải ấn tượng với màn hình của Surface Book 3 như khi Book 2 ra mắt. Nó không những có độ phân giải cao, góc nhìn rộng, màu sắc đẹp mà còn có độ chuẩn màu ở mức rất tốt nữa. Hạn chế duy nhất của màn hình chỉ là tỉ lệ 3:2 phù hợp với công việc hơn là xem video trên Youtube, vì các video tỷ lệ 16:9 thông dụng sẽ bị co lại và sẽ có phần viền đen trên dưới khá lớn.
Độ phân giải màn hình của Surface Book 3 vẫn giữ nguyên như trên Book 2: Phiên bản 13,5 inch có độ phân giải 3000×2000, đạt mật độ điểm ảnh 267 ppi; phiên bản 15” có độ phân giải nhỉnh hơn chút chút 3240×2160 để giữ được mức mật độ 260 ppi gần tương đương.
Hiện nay vẫn chưa có ai thử nghiệm màu sắc trên Surface Book 3. Nhưng nếu Surface Book 3 vẫn đạt độ bao phủ đạt 62% gam màu Adobe RGB và 96% gam màu sRGB như trên thế hệ tiền nhiệm thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sử dụng máy để edit hình ảnh, video ở mức độ bán chuyên nghiệp.
4. To hơn thì sẽ có thời lượng pin tốt hơn
Về pin thì Microsoft công bố Surface Book 3 bản 13,5″ sẽ đạt thời lượng 15,5 giờ còn bản 15″ sẽ là 17,5 giờ. Nhờ kích thước lớn hơn nên bản 15” có đủ không gian để nhét thêm viên pin lớn hơn ở cả phần máy tính bảng lẫn phần dock bàn phím. Từ đó đem lại thời gian sử dụng nhiều hơn 2 giờ (theo Microsoft công bố). Chúng tôi sẽ sớm thử nghiệm thực tế xem thời gian sử dụng ở cường độ bình thường sẽ đạt được bao lâu.
Cục sạc đi kèm cũng đã có công suất cao hơn với 65W cho bản 13,5″ và 127W cho phiên bản 15″. Trước đây, Surface Book 2 chỉ trang bị sạc 102W và nó không đủ để kéo GTX 1060 với hiệu năng tối đa. Vậy nên với cục sạc công suất cao hơn, hy vọng Book 3 sẽ khai thác được hết sức mạnh của GTX 1660 Ti.
TỔNG KẾT
Tuy không thay đổi về thiết kế bên ngoài so với thế hệ tiền nhiệm, nhưng Surface Book 3 đã được nâng cấp rất nhiều về cấu hình. Ngoài việc được trang bị vi xử lý Intel thế hệ 10 Ice Lake, điểm nâng cấp đáng kể nhất chính là GPU rời trong phần dock của thiết bị. Với GTX 1650 Max-Q (trên bản 13,5” i7), GTX 1660 Ti (bản 15”), khả năng xử lý đồ họa của Book 3 sẽ vô cùng ấn tượng, đủ để đáp ứng các yêu cầu của những nhà sáng tạo, thiết kế chuyên nghiệp. Thậm chí còn có phiên bản sử dụng Nvidia Quadro RTX 3000 Max-Q dành cho doanh nghiệp để có thể chiều lòng nhu cầu sử dụng các tác vụ đồ họa vô cùng nặng nề nữa. Giờ đây, dòng Surface Book của Microsoft đã có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của người dùng chuyên nghiệp, đòi hỏi rất cao về khả năng đồ họa.